Cách lựa chọn nhà tài trợ cho giải đấu eSports sinh viên
Không phải ai cũng biết cách xin tài trợ cho một giải đấu, sự kiện eSports một cách chuẩn chỉnh, đặc biệt là các bạn sinh viên, những người chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đối ngoại, xin tài trợ…
Những người từng làm qua công tác xin tài trợ cho các giải đấu eSports của sinh viên hẳn sẽ thấu hiểu những vất vả, khó khăn và thách thức của công việc này. Tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc chắc chắn sẽ xuất hiện trong hành trình xin tài trợ. Thật khó cho những bạn sinh viên ít kinh nghiệm hay lần đầu tham gia vào công việc này. Vì thế, bài viết này sẽ hướng dẫn những mẹo nhỏ giúp sinh viên biết cách lựa chọn nhà tài trợ cho sự kiện của câu lạc bộ, hội nhóm eSports của mình một cách chính xác nhất.
Xác định danh sách những nhà tài trợ tiềm năng
Điều đầu tiên bạn cần làm là xác định tất cả các nhà tài trợ tiềm năng.
Việc “khoanh vùng” đối tượng tham dự sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả. Tương tự, bạn cũng cần xác định đúng nhà tài trợ tiềm năng để tăng khả năng thành công. Câu hỏi đâu là những nhà tài trợ tiềm năng sẽ có đáp án khi bạn cùng đồng đội của mình phân tích các yếu tố sau:
Đối tượng tham dự sự kiện của bạn là ai?
Bạn cần xác định đối tượng tham gia có phù hợp với đối tượng khách hàng hay cộng đồng tiềm năng của công ty mà bạn muốn xin tài trợ hay không. Đối với các sự kiện dành cho sinh viên nói chung và các giải đấu eSports sinh nói riêng, bạn có thể hướng đến các nhà tài trợ là nhà phát hành tựa game bạn muốn đem ra để thi đấu, các công ty thiết bị số như điện thoại, sản phẩm đồ ăn nhanh, nước giải khát, công ty máy tính, quán net, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện hoặc các tổ chức eSports như ESCA chúng tôi,..... Bạn cũng có thể căn cứ vào ngành/khối ngành của sinh viên theo học mà "khoanh vùng" các nhà tài trợ tiềm năng.
Những chương trình các công ty thường tài trợ
Dựa trên những chương trình các công ty đã từng tài trợ, bạn có thể xác định được “gu” của từng thương hiệu và đoán xem giải đấu của mình có “hợp khẩu” họ hay không. Ví dụ các công ty điện thoại: Samsung, Xiaomi,.. thường tài trợ cho các giải đấu Mobile eSports. Hay CocaCola hay Yomost hay tài trợ cho các chương trình có đối tượng người tham dự trẻ trung, khẳng định cá tính… Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý đến tầm vóc của giải đấu, những thương hiệu lớn thường chỉ tài trợ các chương trình hoành tráng, có giá trị lớn.
Tài trợ bao nhiêu là đủ?
Thông thường, các giải đấu thường chia các gói tài trợ thành nhiều hạng mức khác nhau tùy theo giá trị như: tài trợ độc quyền, tài trợ kim cương, tài trợ vàng… Trước khi thiết kế hồ sơ xin tài trợ, bạn cần xác định ngân sách tối thiểu để có thể tổ chức sự kiện và thời hạn phải chốt tất cả các khoản tài trợ.
Lưu ý quan trọng khi đi xin tài trợ cho giải đấu là luôn có kế hoạch dự phòng. Bạn nên dự trụ khoản tài trợ tối thiểu là 70 – 80% để tránh rủi ro không xin được tài trợ toàn phần, số còn lại có thể tự xoay sở hoặc thay đổi thể thức giải đấu theo hướng tối giản ngân sách.
Cân nhắc các gói tài trợ
Các bạn cùng lưu ý rằng nếu tài trợ tiền mặt thì các nhà tài trợ thường chỉ cho ứng trước 50 – 70%. Sau khi bạn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho nhà tài trợ - trước, trong và sau khi giải đấu kết thúc, họ sẽ quyết định tiếp về phần còn lại.
Bạn cần cân nhắc đến vấn đề này để chuẩn bị sẵn một khoản ngân sách đủ để làm sự kiện trong trường hợp chưa nhận được 100% giá trị tài trợ. Bên cạnh đó, việc làm này cũng hạn chế khả năng “thất bại” nếu chẳng may nhà tài trợ từ chối chi trả phần còn lại nếu giải đấu không thành công như mong đợi.
Đưa ra những gì nhà tài trợ cần
Một trong những bước quan trọng trong cách xin tài trợ cho giải đấu chính là xây dựng hồ sơ tài trợ. Hãy đánh giá hồ sơ mời tài trợ của bạn dưới con mắt của nhà tài trợ để xem xét về tính thuyết phục. Để tăng khả năng thành công của lời mời tài trợ, bạn hãy phân tích công ty, doanh nghiệp coi trọng những điểm nào trong giải đấu của bạn. Điều đầu tiên nhà tài trợ quan tâm là điểm nhấn của giải đấu (bao gồm bộ môn thi đấu, địa điểm thi đấu,..) là gì và làm thế nào để giải đấu thành công. Khả năng thành công của giải đấu được xem xét theo 2 yếu tố:
- Nhà tổ chức là ai, có đáng tin cậy về khả năng tổ chức giải đấu hay không. Nếu bạn là thành viên của một câu lạc bộ, đội nhóm nhỏ thì vẫn có cơ hội nhận được tài trợ nếu làm cho doanh nghiệp tin tưởng. Điều đó thể hiện qua background tốt về tổ chức của bạn, về những chương trình tương tự đã thực hiện và cách tổ chức các chương trình đó.
- Giải đấu đó có gì độc đáo, thú vị? Giải đấu của bạn có gì khác? Điểm thu hút người tham gia giải đấu là gì?... sẽ là những câu hỏi mà nhà tài trợ quan tâm trước khi đồng ý lời đề nghị của bạn.
Sau đó, nhà tài trợ sẽ cân nhắc mức độ phù hợp của giải đấu và giá trị tài trợ so với mục tiêu marketing của công ty:
- Khách hàng của công ty: đối tượng tham dự sự kiện của bạn có phải là khách hàng hay cộng đồng tiềm năng mà công ty đang hướng đến hay không?
- Công ty sẽ nhận được gì từ việc tài trợ? Nghiên cứu yếu tố này sẽ giúp bạn có thể đưa ra những lợi ích, giải pháp hợp lý cho doanh nghiệp. Hãy trình bày những gì nhà tài trợ cần chứ không chỉ nói những điều bạn có. Có bên sẽ cần quảng bá thương hiệu, có nhãn hàng muốn lấy lòng công chúng, có công ty đặt mục tiêu thúc đẩy doanh số… Ví dụ, nếu một nhà tài trợ muốn đẩy mạnh việc bán hàng, hãy đề nghị một gian hàng ngay tại sự kiện, bạn sẽ được đánh giá cao về sự linh hoạt này.
- Ngân sách xin tài trợ có tương xứng với những gì chương trình mang lại cho công ty không?
- Điều cuối cùng cũng quan trọng không kém là nhà tài trợ sẽ nhận được lợi ích truyền thông như thế nào thông qua sự kiện này. Bạn có thể đề xuất một số quyền lợi như:
- Song hành cùng sự kiện trên các phương tiện truyền thông
- Xuất hiện logo thương hiệu trên các vật phẩm, tài liệu truyền thông
- Trưng bày sản phẩm
- Bán hàng
- Quảng cáo về nhà tài trợ miễn phí trên các kênh bảo trợ truyền thông
- Làm khảo sát, thăm dò đối tượng khách hàng doanh nghiệp hướng đến
- Chia sẻ dữ liệu người tham gia sự kiện
- …
ESCA – đơn vị đồng hành cùng sinh viên qua nhiều giải đấu
ESCA là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ và đầu tư phát triển phong trào thể thao điện tử cho cộng đồng học sinh, sinh viên. Thông qua những hoạt động này, chúng tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng những người không chỉ chơi game mà còn học và làm game một cách chuyên nghiệp, đóng góp tích cực cho xã hội.
Để hiểu rõ hơn về phương thức tổ chức giải đấu cùng như liên hệ tìm kiếm những nhà tài trợ tiềm năng, vui lòng liên hệ với ESCA sẽ được nhận những thông tin tư vấn hữu ích nhất. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành tổ chức giải đấu cho học sinh sinh viên, chúng tôi tin chắc sẽ giải đáp mọi thắc mắc để bạn được hiểu rõ và có kế hoạch đúng nhất cho sự kiện của mình.
Các bạn có thể tham khảo những gói chương trình hỗ trợ của ESCA tại đây.