Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia cho rằng ngành game Việt Nam còn quá nhỏ, cần nuôi dưỡng thay vì thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại Diễn đàn Game Việt Nam 2023 diễn ra ngày 1/4 ở TP HCM, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá một trong những thách thức lớn nhất của ngành game Việt Nam hiện nay là chính sách quản lý còn nhiều bất cập.

"Các công ty game trong nước đang kêu trời khi Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. Ngành này còn đang phát triển, cần phải nuôi dưỡng trước khi tính đến việc thu thuế đặc biệt", ông Tự Do nhấn mạnh.

thi truong game vn qua nho 1

Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ tại Diễn đàn Game Việt Nam 2023 diễn ra tại TP HCM sáng 1/4. Ảnh: Thanh Tùng (VNExpress)

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC Game, cho biết doanh thu toàn ngành game Việt còn nhỏ, mới khoảng 600 triệu USD, chỉ chiếm 0,5% thị trường toàn cầu. "Doanh nghiệp game Việt chỉ ở mức tiềm năng, đang ở trạng thái nuôi dưỡng, còn nhiều rủi ro. Rào cản về chính sách khiến ngành game không thể cống hiến, buộc họ phải ra nước ngoài", ông nói.

Theo ông, để ngành game có thể cống hiến nhiều hơn cho nền kinh tế cần những chính sách ưu đãi để các nhà làm game Việt ở nước ngoài quay về. "Các startup game Việt thường chọn đặt trụ sở ở Singapore do có cơ chế tốt, hỗ trợ nhiều mặt. Trong khi đó, chính sách trong nước vẫn còn nhiều rủi ro, nếu áp thuế đặc biệt, ai còn muốn ở lại?", ông Bảo đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG, lấy dẫn chứng các nước lân cận như Singapore, Thái Lan, Philippines đều có chính sách cụ thể để ủng hộ ngành game, các hiệp hội không chỉ kết nối các doanh nghiệp mà còn tư vấn cho cơ quan quản lý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho ngành game hoạt động.

thi truong game vn qua nho 2

Đại diện bộ TTT, các nhà làm game, phát hành game thảo luận về thách thưc của ngành game tại Diễn đàn Game Việt Nam 2023. Ảnh: Khương Nha

Từ góc độ nhà sản xuất game, ông Thái Thanh Liên, CEO Topebox, nói: "Tôi và nhiều nhà sản xuất game khác đều sẵn sàng đóng thuế, đây không phải vấn đề lớn. Nhưng vấn đề là cơ quan quản lý cần nhìn vào một bức tranh lớn hơn về lợi nhuận ngành game có thể đem lại".

Các chuyên gia dẫn chứng về sự phát triển của game thể thao điện tử eSport, chỉ 10% doanh thu đến từ game, 90% từ các hoạt động tổ chức sự kiện, bán vé, dịch vụ trung gian, thiết bị công nghệ, tài trợ... "Bộ Tài chính có thể bỏ 10% doanh thu từ game để đánh thuê 90% doanh thu còn lại, đó mới là bài toàn lớn ngành kinh tế cần nhắm đến", ông Bảo nói.

Ông Lê Quang Tự Do khẳng định Bộ Thông tin và Truyền thông đang hợp tác cùng các bộ ngành khác để có chính sách ưu tiên hơn cho ngành game trong tương lai. "Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Tài chính về việc bỏ áp thuế đặc biệt do không hợp lý. Ngoài ra, cơ quan quản lý đang nghiên cứu thêm nhiều cơ chế thử nghiệm, trình chính phủ bỏ bớt giấy phép, thủ tục hành chính trong việc phát hành game cho các doanh nghiệp trong nước", ông Do cho hay.

Ông cho biết Bộ đang đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên mức một tỷ USD. Hiện toàn ngành chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động nên cần tăng lên con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp. Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội cũng đã đề xuất Bộ Giáo dục để mở bộ môn đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT và Trường Đại học Bách Khoa... để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Ngày hội Game Việt Nam 2023 - GameVerse 2023 diễn ra xuyên suốt hai ngày 1-2/4. Chương trình do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11.

Theo VnExpress