Những năm gần đây, eSports Việt đang thay da đổi thịt một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Số lượng game thủ chơi game eSports ngày càng nhiều và có những game thủ đã vươn ra khỏi giới hạn Việt Nam để thi đấu ở một sân chơi lớn hơn tầm thế giới. Cùng với sự phát triển chung của cộng đồng eSports, dần dần đã hình thành nên một hình thức giải trí mới tạm gọi là "xem eSports qua truyền hình". Cũng như các môn thể thao thể chất, một số người hâm mộ sẽ tham gia thi đấu trong khi những người khác lựa chọn hình thức giải trí bằng cách xem những trận đấu đỉnh cao qua TV.
 
Nói đến việc hình thức truyền hình trực tiếp các trận thi đấu eSports qua truyền hình thì vai trò của bình luận viên (BLV) là yếu tố quan trọng, đóng góp không nhỏ cho sự hấp dẫn của từng trận đấu. BLV chính là người truyền lửa, là cầu nối giữa game thủ và khán giả, đưa khán giả lại gần hơn với nhịp độ trận đấu và cảm nhận được đầy đủ hơn tính hấp dẫn của mỗi game đấu. Thậm chí, những BLV tốt có thể biến những trận đấu tẻ nhạt thành những cuộc thư hùng nảy lửa, có thể "cuốn", "đưa", "dẫn dắt" khán giả vào từng tỉnh tiết, dù là nhỏ nhất. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì không phải ai cũng có thể là người phù hợp.
 
Vậy tiêu chí nào để có thể đưa ra làm thước đo cho một buổi bình luận game chất lượng? Một số tiêu chí đã được đưa ra bàn luận như tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn tốt, kinh nghiệm, sự hài hước và tâm huyết.
 
Không có bình luận viên, các trận đấu game sẽ vô cùng tẻ nhạt và buồn ngủ.

Sự chuyên nghiệp ở đây đòi hỏi BLV cần có thái độ đúng với công việc của mình, biết mình đang làm gì. Khi cầm mic cũng là lúc BLV đối thoại với hàng nghìn người nghe và theo dõi trận đấu, không nhất thiết phải bình luận liên tục nhưng không có nghĩa là để cho chương trình có những phút giây "chết lặng". Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện trong ngôn ngữ được sử dụng khi bình luận. Một BLV chuyên nghiệp cần hiểu rằng công việc của mình chính là các cuộc đối thoại với hàng nghìn người nghe, mỗi phát ngôn, mỗi câu từ được nói ra sẽ khiến hàng nghìn khán giả suy ngẫm. Một BLV có thể đưa ra những nhận định cảm tính nhưng nên giữ nó ở mức độ vừa phải, bởi một trận đấu sSports là cuộc đấu của hai bên và họ cần hiểu rằng người nghe là fan hâm một của 1 trong 2 đội đang thi đấu, chứ không của riêng một đội nào.
 
Ngoài ra, trang phục của BLV cũng cần phải được chú ý. Giờ đây, cùng với đòi hỏi cao của truyền hình eSports, việc lên hình của một BLV dần trở thành yêu cầu cơ bản, quy chuẩn của một chương trình. Do vậy, các BLV cũng cần phải chú ý đến cả trang phục của mình khi lên sóng, những điều tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng cũng có thể trở thành một hạt sạn lớn của cả chương trình.
 
 

Lấy được lòng công chúng, bình luận viên sẽ nổi tiếng và được săn đón hơn cả các game thủ chuyên nghiệp.
 
Trong việc bình luận, kiến thức chuyên môn đối với game cũng được coi là yêu cầu tối thiểu đối với BLV. Am hiểu trò chơi sẽ giúp cho việc đọc được trận đấu dễ dàng hơn, hỗ trợ rất nhiều trong công cuộc dẫn dắt người xem theo dõi và không bỏ lỡ những tình tiết hay, qua đó chất lượng của chương trình cũng được nâng cao. Chính vì vậy nhiều BLV nổi tiếng trên thế giới cũng như trong nước đều có xuất phát điểm chung là từ game thủ.
 
 
Tuy nhiên, công việc bình luận là sự tương tác của BLV với trận đấu, giữa BLV với khán giả, do đó sẽ có vô vàn những sự việc phát sinh đến cả từ trong game đấu lẫn bên ngoài. Một BLV tốt cần phải có kinh nghiệm xử lý được cả những tình huống ngoài lề, đặc biệt là những tình huống tiêu cực. Dẫu vậy, kinh nghiệm là thứ chỉ được tích cóp qua thời gian và việc chịu khó học hỏi chứ không phải là việc học vẹt, nói theo những người nổi tiếng. 
 
Bên cạnh đó, có một tố chất quan trọng khác cũng cần có ở người BLV, đó chính là khướu hài hước. Khi xác định eSports là giải trí thì người BLV cần hiểu rằng, tiếng cười là điều cần thiết dành cho khán giả, bên cạnh việc truyền lửa, truyền tải nhịp độ trận đấu một cách đầy đủ. Cái duyên trong việc bình luận game eSports của người BLV giỏi sẽ mang tới những phút thư giãn nhẹ nhàng cho người xem, mang đến cho khán giả những trải nghiệm phong phú chứ không chỉ là sự dồn dập, căng thẳng từ trong game đấu. Để giải quyết được vấn đề này, đôi khi trong một chương trình bình luận, thường cần tới 2 BLV, một người am hiểu trận đấu có vai trò đi sâu phân tích các tình huống trong game và người còn lại sẽ mang đến những tiếng cười qua các câu bình luận dí dỏm.
 
Như vậy có thể thấy, nghề bình luận eSports không phải là một công việc dễ dàng bởi nó đòi hỏi ở BLV những tố chất và kỹ năng đa dạng. Nhưng chắc chắn một điều, không phải một BLV có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn sẽ là BLV được yêu thích. Bởi ngoài những yếu tố kể trên, một BLV giỏi cần phải có cái "Tâm" với nghề, yếu tố tâm huyết. Cái tâm, lòng nhiệt huyết sẽ giúp BLV giữ được ngọn lửa đam mê và không ngừng trau dồi kiến thức để tự hoàn thiện bản thân, hoàn thiện kỹ năng. Cái đích cuối cùng của một BLV là mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả.
 
 
Một bình luận viên giỏi cần phải có cái "tâm" với nghề.

Có thể nói, nhắc đến những yêu cầu trên là một đòi hỏi quá cao bởi người chơi và những khán giả cũng sẽ nhanh chóng hình dung ra áp lực và mức độ khó khăn của công việc bình luận như thế nào. Đặc biệt, khi mà số lượng BLV eSports chất lượng hiện nay có rất ít, một phần cũng vì đây chưa phải là "nghề" đúng nghĩa, chưa nuôi sống được BLV. Một phần cũng vì những đòi hỏi không kém phần vô lý của khán giả.
 
Chỉ khi eSports trở thành một ngành công nghiệp, BLV eSports trở thành một nghề với hàng chục, hàng trăm người, đó mới là lúc chúng ta có quyền chấm điểm cho những BLV mình nghe. Còn hiện tại, với những BLV đã xác định đến với nghề, cũng nên có cái nhìn bao quát và dám đối mặt với những khó khăn thử thách. Phải biết, mình đang làm gì và sẽ gặp thách thức gì.
 
Còn với vai trò là những người thưởng thức chương trình, khán giả cũng nên cần có một thái độ cởi mở hơn để có thể tạo động lực cho những BLV "không chuyên" tác nghiệp và cố gắng từng ngày.
Nguồn: vectv.vn